Những người Việt thành danh tại Nhật (Phần 2)
Thứ bảy, 17/09/2016 12:16 (GMT+7)
Ở phần 1 kì rồi các bạn đã được tham khảo một số chia sẻ kinh nghiệm của các đàn anh đi trước, hôm nay mời các bạn tiếp tục đến với những chia sẻ hết sức thiết thực sau đây để cùng cảm nhận và thêm vào hành trang cần thiết cho mình nhé!
1. Bác Nguyễn Văn Ngân
“Học giỏi tiếng bản địa là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công tại Nhật Bản”, là chia sẻ của bác Nguyễn Văn Ngân, giám đốc công ty thương mại Đông Dương. Bác sang Nhật từ cuối năm 1941 và học kinh tế tại trường Đại học Tokyo. Ngay từ khi còn trẻ, bác từng được cử điều hành chi nhánh của một công ty xuất nhập khẩu Nhật, và năm 29 tuổi đã lập công ty riêng, rồi mở một nhà hàng tại khu Ginza của Tokyo từ năm 1950.
Bác Ngân nằm trong số ít người nước ngoài đã trải qua thời kì khó khăn cùng cả nước Nhật Bản, đã chứng kiến những thăng trầm của Nhật. Bác cho rằng để thành công, ngoài việc phải học thấu đáo tiếng Nhật và nắm những kiến thức cơ bản, cần phải có sự nhanh chạy nắm bắt tình thế. Riêng đối với bản thân bác, bên cạnh nỗ lực bản thân còn có một yếu tố khác nữa là mối quan hệ thân thiện của những người bản xứ.
“Đối với tôi thì tôi làm việc như tất cả những người khác Nỗ lực của mình đã đưa tôi đến đây. Nhưng một phần lớn là ở sự tử tế của những người mà tôi đi lại, những người bạn của tôi sau chiến tranh…”
2. Anh Nguyễn Quan Lữ
Một người Việt khác là anh Nguyễn Quan Lữ, 51 tuổi, viên chức cấp cao của một công ty mậu dịch lớn của Nhật Bản. Anh sang Nhật vào năm 1970 theo diện học tự túc. Cũng như nhiều người Việt khác sang đây du học, cuộc sống ban đầu của anh không dễ dàng, một phần lớn vì mới bắt đầu học tiếng.
27 năm đã trôi qua kể từ ngày đầu đặt chân lên đất nước Nhật. Giờ đây, với học vị tiến sĩ nông nghiệp và nhiều năm kinh nghiệm, anh Nguyễn Quan Lữ đã được cử nắm một chức vụ quan trọng trong công ty.
Từ kinh nghiệm bản thân, anh rút ra những yếu tố đưa đến thành công tại Nhật Bản như sau:
“Tôi nghĩ rằng điều cơ bản là trong xã hội Nhật yêu cầu người ta phải có tính hòa đồng vào tập thể, nhẫn nại cần cù để làm quen với công việc. Đó là những yếu tố quan trọng. Nhưng vấn đề được hay không được còn tùy theo sự may mắn, ngoài ý muốn của mọi người. Nhiều người có năng lực hơn tôi nhưng có thể chưa gặp may mắn nên chưa đạt được ý muốn của mình. Chúng ta phải đánh giá sự nỗ lực của bản thân nhưng đồng thời phải thừa nhận yếu tố may mắn trong đó. Nhất là ở xã hội Nhật này, các điều kiện xã hội chưa phóng khoáng đầy đủ để tiếp nhận với người nước ngoài như với người bản xứ, nên sự may mắn đưa mình đến với 1 công ty hiểu và thông cảm và tạo điều kiện giúp đỡ mình là sự may mắn.”
Như phát biểu của anh Nguyễn Quan Lữ, sự hòa đồng là một yếu tố khá đặc trưng trong xã hội Nhật Bản. Vì thế, người ngoại kiều lại càng phải cố gắng nhiều hơn để thích nghi với lối sống và làm việc này, và họ cần có sự thông cảm và hỗ trợ của người bản địa.
3. Chị Nguyễn Thị Giang
Còn chị Nguyễn Thị Giang thì sự giúp đỡ của những người bạn Nhật cũng là yếu tố quan trọng để chị Nguyễn Thị Giang mở được nhà hàng Việt Nam của riêng mình cách đây hai tháng. Chị Giang không có được lợi thế của tuổi trẻ bởi khi sang Nhật vào năm 1988, chị đã cập kê tứ tuần. Nghe chị kể chuyện, chúng tôi cảm nhận được sự nỗ lực không mệt mỏi của người phụ nữ này. Để tăng thêm thu nhập cho gia đình 5 người, chị vừa tranh thủ học tiếng Nhật, vừa làm nhiều công việc – từ lắp ráp linh kiện điện tử cho đến dạy nấu ăn, phục vụ nhà hàng. Rồi chị được bạn bè, người quen giúp thêm về tài chính và đứng ra bảo lãnh để mở nhà hàng Việt Nam. Từng là giáo viên dạy nấu ăn tại Việt Nam trước khi sang Nhật nên chị rất tự tin với công việc của mình. Tuy nhiên, chị cho biết mục tiêu chính yếu khi mở nhà hàng chỉ là để giới thiệu văn hóa Việt Nam.
4. Bác Lê Văn Quý
Có lẽ không chỉ chúng tôi mà nhiều thính giả sẽ rất bất ngờ khi biết, nhiều kỹ thuật ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày hiện nay, nhất là tại các nước tiên tiến, chính là nhờ phát minh của một người Việt Nam. Đó là cụ Lê Văn Quý, một trong những người Việt đến ở Nhật Bản lâu đời nhất. Cụ sang Nhật vào năm 1943 theo diện trao đổi sinh viên Việt-Nhật, đúng vào lúc đang xảy ra Thế chiến II. Cụ theo học ngành điện tử và nhờ chú tâm vào việc nghiên cứu, cụ đã có hàng chục phát minh đã đăng ký bản quyền và bán cho nhiều công ty Nhật cũng như trên thế giới, không kể một số phát minh chưa đăng ký. Có thể kể tên một số phát minh quan trọng của cụ như: cửa tự động, vòi nước tự động, tăng độ sáng của đèn xe, máy kiểm tra chỗ hỏng hóc của xe hơi,v.v… Nhiều phát minh của cụ góp phần không nhỏ trong sự phát triển của các hãng xe hơi Toyota, Nissan.
Cụ tâm sự về những phát minh của mình: “Tôi có các bằng phát minh về máy móc động cơ, về đèn nê-ông, cách sơn xe hơi và nhiều phát minh về máy truyền hình. Ví dụ các máy CD, đầu pick-up không có kim, dùng ánh sáng, cái đó tôi nghĩ đã lâu, cả về máy ảnh nữa. Nhiều nhiều lắm, có 4-5 chục cái tôi bán ngay. Hiện còn khoảng 10 cái tôi chưa bán được. Không phải tôi thích gì chuyện phát minh đâu. Chính là vì đời sống. Phát minh cho một số tiền rất lớn và rất mau. Nhưng cạnh tranh với Nhật khó khăn lắm, phát minh không khéo thì họ nắm lấy và bắt chước ngay mà chẳng lấy được một xu nào cả.”
Năm nay, tuy không còn khỏe vì đã ở tuổi 80, cụ vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu xe hơi chạy điện – một kỹ thuật cho tương lai. Với tư cách một nhà khoa học có nhiều phát minh, cụ khẳng định người Việt Nam không hề thua kém bất kỳ nước nào trên thế giới:
“Mới đầu sang đây tôi thấy đời sống vất vả khó khăn lắm, vì người Nhật làm việc khá nặng đấy cho nên khó lòng mà sống được bên này. Nhưng sau khi làm qua với các xưởng máy Nhật thì thấy người Việt mình không kém gì người Nhật cả nếu mình cố gắng. Cho nên tôi thấy anh em Việt Nam mà sang đây nhiều, mình theo các xưởng máy Nhật thì nước của mình không kém gì nước Nhật đâu.”
Bác Nguyễn Văn Ngân cũng có nói thêm:
“Số phận là một yếu tố trong cuộc đời người ta. Nhưng nói số phận ta chỉ có thế này thôi và ta bằng lòng với số phận của mình, sống một đời khó khăn. Trong một phần nào có thể đổi số phận đó bằng cách cố sức. Nghèo đi chăng nữa cũng phải cố, và cố gắng đó, trong chừng mực nào, có thể thay đổi được số phận của mình. Nỗ lực của mình có thể giúp một phần trong sinh sống và trong sự thành công của mình nó cũng là một yếu tố lớn”
Có thể có người vẫn bám lấy suy nghĩ, phải ra nước ngoài mới thành công. Song thực tế chính bản thân những người thành đạt thừa nhận, hoàn cảnh và sự may mắn chưa thể mang lại tiền của và danh vọng vững bền. Hai yếu tố quan trọng nhất chính là kiến thức và nỗ lực bản thân. Tiến sĩ Đặng Lương Mô có vài lời khuyên với giới trẻ Việt Nam: “Lẽ dĩ nhiên là cần phải mở rộng cửa để thanh niên Việt Nam đi ra nước ngoài để mở rộng tầm mắt, để biết hơn. ôi nghĩ tuổi trẻ nên có tham vọng. Đối với thanh niên Việt Nam, tôi khuyên là nên cố gắng. Tốt hơn hết là hãy cố gắng ở trong nước.”
Những người như cụ Quý, bác Ngân, anh Lữ, chị Giang, giáo sư Trần Văn Thọ, tiến sĩ Đặng Lương Mô, chỉ là một vài ví dụ về sự thành đạt của người Việt Nam ở Nhật Bản nói riêng và ở nước ngoài nói chung. Họ đã đạt tới địa vị nhất định trong xã hội, hoặc chí ít cũng có một cuộc sống ổn định trong một xã hội nhiều cạnh tranh. Họ là những cá nhân trong cả một cộng đồng người Việt ở trong nước cũng như nước ngoài, luôn nỗ lực để vượt lên mọi hoàn cảnh.
Do những lý do khác nhau, họ đã đến sinh sống làm ăn tại Nhật Bản, nhưng tấm lòng họ luôn hướng về đất Việt phương nam – nơi mới thực sự là quê hương, mới thực sự là nơi họ gửi gắm tâm hồn mình. Sau những giờ lên lớp, những khi tan sở, những lúc nghỉ tay giữa ca làm việc, sau khi trút bỏ những bộn bề, bon chen trong cuộc sống và trở về với mái ấm gia đình, họ luôn hướng về Việt Nam.
Không ai có thể hiểu nỗi buồn xa xứ nếu không ở vào hoàn cảnh của những người phải sống xa Tổ quốc. Nhưng càng trân trọng hơn khi họ đã khẳng định chính mình và vươn lên trong một xã hội hoàn toàn xa lạ, trong lúc vẫn một lòng nhớ về quê hương.
Nguồn: Sưu tầm (Hình từ Internet)
Bạn đang muốn tìm một công việc phù hợp với khả năng và mong muốn của mình? VieclamJapan tư vấn hoàn toàn miễn phí và hỗ trợ bạn tìm công việc thích hợp.