Kỹ năng cần thiết

Những Điều Nên Và Không Nên Khi Chuyển Việc

Thứ ba, 17/10/2017 08:12 (GMT+7)

Có rất nhiều người dù đi làm đã nhiều năm ở nhiều công ty khác nhau những mỗi khi đứng trước quyết định chuyển việc lại loay hoay không biết phải làm sao cho trơn tru và hợp tình hợp lý nhất. Thật ra, mọi chuyện không hề phức tạp như bạn nghĩ!

Mối quan hệ giữa nhân viên và công ty cũng giống như một…câu chuyện tình. Chúng ta đã đến với nhau tốt đẹp như thế nào, thì khi ra đi, dù không còn yêu, hãy làm sao để giữ lại những suy nghĩ trọn vẹn nhất như thuở ban đầu. Ngay từ lúc bắt đầu có ý định chuyển việc, bạn nên dành thời gian để nhớ lại lý do khiến mình đã từng rất muốn làm công việc hiện tại, hay lúc nhận được quyết định tuyển dụng, bạn đã hạnh phúc ra sao, đã hứa cố gắng phấn đầu vì công ty thế nào.

Người Nhật có câu “Tobu toni atowo nigosazu”, tạm dịch là “Chim bay đi không để lại cái tổ dơ bẩn”, hàm ý người ta đi lúc nào cũng nên dọn dẹp cho sạch sẽ nơi mình đã ở. Vì vậy, khi chuẩn bị rời khỏi công ty, bạn nên tiến hành mọi việc một cách chuyên nghiệp và gọn gàng như các bước dưới đây:

1.      Không sử dụng thời gian của công ty để làm việc riêng

Tìm được công việc khác rồi mới xin nghỉ công việc hiện tại có vẻ là phương án an toàn mà ai cũng muốn. Thế nhưng, chừng nào bạn còn nhận lương của công ty hiện tại thì bạn không nên cắt xén thời gian để “lén lút” làm việc riêng như lên mạng tìm kiếm công việc mới hay chuẩn bị hồ sơ xin việc,..Tốt nhất bạn nên làm những việc này ngoài giờ làm việc. Nếu cần phải đi phỏng vấn công việc mới trong giờ hành chính, bạn nên xin nghỉ phép để đi. Rạch ròi việc công – tư không những thể hiện thái đô làm việc chuyên nghiệp, bản thân cũng thanh thản với lương tâm hơn mà còn giúp bạn tránh được những lời xì xầm không đáng có.

2.      Kiểm tra lại hợp đồng lao động

Trên thực tế, có những nghĩa vụ ràng buộc vẫn còn tồn tại ngay sau khi hợp đồng đã chấm dứt như điều khoản không cạnh tranh (chẳng hạn như “không được làm việc tại công ty đối thủ”), bảo mật thông tin,…Vì vậy, để tránh những kiện cáo rắc rối về sau, bạn nên kiểm tra xem công việc/công ty mới mà mình nhắm đến có khiến cho mình vi phạm những điều khoản này hay không.

3.      Thông báo nghỉ việc chính thức

Tùy công ty và tùy loại hợp đồng lao động mà việc thông báo này cần phải được thực hiện bằng văn bản và trước một số ngày nhất định. Vì vậy, việc kiểm tra lại hợp đồng lao động như đã nói ở trên còn giúp bạn biết mình phải làm gì để việc thông báo được mang tính chất chính thức, đồng thời giúp công ty có thời gian tìm kiếm người thay thế phù hợp.

4.      Kiểm tra với bộ phận nhân sự

Hãy kiểm tra với bộ phận nhân sự những thủ tục nào cần được tiến hành, đảm bảo tất cả những nghĩa vụ về bảo hiểm cũng như thuế đã được thực hiện đầy đủ, tránh gặp phải phiền hà khi chuyển sang công ty mới.

5.      Bàn giao công việc

Rất có thể trong lúc tâm trạng chứa nhiều cung bậc buồn vui lẫn lộn vì sắp chia tay công việc “sắp”cũ và đón công việc mới dễ làm cho bạn bị phân tâm, nhưng bạn cần phải sắp xếp những công việc sau cùng theo cách chuyên nghiệp và tử tế nhất.

Nếu có người kế nhiệm, hãy hướng dẫn họ tận tình. Nếu công ty vẫn chưa kiếm được người phù hợp thay thế bạn, bạn có thể để lại một biên bản bàn giao, ghi chú lại những công việc mà bạn đã phụ trách, các tài liệu quan trọng, những việc cần lưu ý…để người kế nhiệm bạn sau này có thể dễ dàng tiếp quản công việc. Thử tưởng tượng khi sang công ty mới, nếu được bàn giao công việc một cách tử tế thì bạn sẽ cảm thấy sung sướng như thế nào.

6.      Dọn sạch sẽ chỗ làm việc

Thu dọn đồ dùng cá nhân, vứt bỏ những vật dụng không cần thiết và hoàn trả những trang thiết bị đã được công ty cấp phát cho.

7.      Làm việc đến ngày cuối cùng

Cho dù bạn đã sẵn sàng để nghỉ việc nhưng có một điều cũng rất quan trọng đó là hãy luôn làm việc một cách tích cực cho đến ngày cuối cùng. Có thể bạn chưa nhận ra nhưng những kinh nghiệm bạn học được từ ngày hôm nay có thể sẽ là tiền đề, là bệ phóng cho bạn ngày hôm sau. Bạn đã cố gắng tạo ấn tượng tốt với đồng nghiệp xung quanh như thế nào khi mới vào làm thì hãy cố gắng để mọi người giữ ấn tượng tốt như thế về bạn cho đến ngày bạn ra đi. Hình ảnh bạn đã luôn chăm chỉ ngay cả trong những ngày cuối cùng trước khi nghỉ việc sẽ là điều mà mọi người nhớ về bạn nhiều nhất!

8.      Nói lời cảm ơn và ra đi trong vui vẻ

Cũng giống như câu chuyện tình yêu, không  phải cuộc chia tay nào cũng diễn ta trong êm đẹp. Có không ít những nhân viên sau khi nghỉ việc đi nói xấu về đồng nghiệp và công ty cũ của mình. Thế nhưng, trái đất vẫn luôn tròn nên bạn sẽ không bao giờ biết được khi nào sẽ gặp lại “cố nhân”của mình trong tương lai. Việc duy trì và để lại ấn tượng tốt đối với mọi người trong công ty cũ sẽ có những tác động tích cực đối với con đường phát triển nghề nghiệp của bạn sau này.

Có quá khứ mới có hiện tại và tương lai. Có thể công việc cũ đã không mang lại những điều như bạn mong đợi, dẫn đến kết quả là bạn quyết định chuyển việc. Nhưng nếu không có công việc cũ ấy, không có những đồng nghiệp cũng sắp trở thành cũ ấy, sẽ không có bạn của ngày hôm nay. Vì vậy, ở bất cứ hoàn cảnh nào, hãy như chú chim để lại chiếc tổ sạch sẽ khi ra đi, mang trong lòng sự biết ơn những công việc đã rèn dũa mình, những con người đã cho mình cơ hội được làm việc, được thất bại để rồi được trưởng thành.

Nguồn: sưu tầm

Dễ dàng và nhanh chóng tạo
hồ sơ trực tuyến ứng tuyển

việc làm tiếng Nhật  

vào những công ty hàng đầu tại
Việt Nam và Nhật Bản..

ĐĂNG KÝ HỒ SƠ NGAY!

VỀ VIECLAMJAPAN

VỀ VIECLAMJAPAN

Website hàng đầu về tuyển dụng &

việc làm tiếng Nhật 

trong các công ty Nhật tại Việt Nam và Nhật Bản

Xem chi tiết

HỖ TRỢ TÌM VIỆC

HỖ TRỢ TÌM VIỆC

Bạn đang muốn tìm một công việc phù hợp với khả năng và mong muốn của mình? VieclamJapan tư vấn hoàn toàn miễn phí và hỗ trợ bạn tìm công việc thích hợp.

Xem chi tiết