Vận dụng ngôn ngữ cơ thể khi phỏng vấn
Thứ tư, 03/08/2016 10:20 (GMT+7)
Ngôn ngữ cơ thể giúp bạn hiểu nhà tuyển dụng đang nghĩ gì và thể hiện những cử chỉ khiến họ có cảm tình với bạn đồng thời sớm đưa ra đề nghị về công việc. Vì vậy, việc nắm bắt cũng như hiểu rõ kiểu giao tiếp phi văn bản và không dùng đến lời nói này là yếu tố quan trọng góp phần dẫn tới thành công của bạn trong một cuộc phỏng vấn.
1. Bắt tay kiểu “cá tươi” hay “máy nghiền xương”?
Cách bắt tay có thể nói lên nhiều điều về mỗi chúng ta. Bạn bắt tay người khác thế nào? nhẹ nhàng hay “phang” tay từ trên xuống rồi hành động như một chiếc “máy nghiền xương”? Người xông xáo thường bắt tay chặt, còn người thiếu nhiệt tình chỉ bắt tay kiểu qua quýt, trơn tuột như “cá tươi”.
Một cái bắt tay “lý tưởng” gồm 3 bước:
- Phải đảm bảo bàn tay sạch sẽ và phần móng được cắt giũa gọn gàng
- Giữ cho tay ấm nhưng không toát mồ hôi
- Bắt tay thật chuyên nghiệp và lịch thiệp, với độ chặt vừa đủ đi cùng nụ cười niềm nở
2. Sức mạnh của ánh mắt
Mỗi quốc gia chấp nhận một mức độ giao tiếp bằng mắt khác nhau. Tại Bắc Mỹ, mức độ giao tiếp ở khoảng 60% được xem là “an toàn” - tỉ lệ có thể khiến nhà tuyển dụng thấy an tâm về bạn; cao hơn mức này được xem là “quá dữ dội”, còn ít hơn sẽ bị đánh giá là “thờ ơ”.
Bí quyết trong giao tiếp bằng mắt:
- Khi gặp người phỏng vấn, hãy nhìn thẳng vào mắt người đó rồi nghĩ trong đầu: “Ồ, thật tuyệt khi cuối cùng cũng gặp được anh/chị ấy!”. Điều này giúp bạn cười thật thư thái và nhà tuyển dụng sẽ “bắt” được thái độ tích cực đó. Khi nhìn vào đối tượng chúng ta thấy thú vị, đồng tử sẽ giãn ra - một hiện tượng mà người đối diện theo bản năng sẽ nhận thấy ngay.
- Trong suốt cuộc phỏng vấn, giữ cho việc giao tiếp bằng mắt dao động trong khu tam giác trên gương mặt người phỏng vấn: chân mày bên trái – mũi – chân mày bên phải. Nhưng hãy nhớ, hành động nhìn chăm chăm vào môi người khác dễ bị xem là thiếu "đứng đắn”, còn tập trung nhìn phần trán cho thấy bạn đang hạ mình.
3. Dáng điệu liên quan đến độ đáng tin cậy
Tư thế là điều quan trọng để làm chủ một cuộc phỏng vấn. Hãy giữ tư thế thẳng, như vậy bạn dễ dàng "ghi điểm" về mức độ đáng tin cậy. Nếu cảm thấy dáng điệu hơi chùng xuống, hãy để ý xem khi ấy bạn ngồi/đứng như thế nào. Nhiều khả năng hai vai bạn đang ở thế buông thõng và quặp vào trong, làm xấu điệu bộ của thân trên và kềm nén hơi thở - hậu quả là bạn có thể thấy hồi hộp hoặc không thoải mái.
4. Tư thế "chuẩn" cho đầu, tay và chân
- Để tự tin và tạo cảm giác đáng tin tưởng trong lúc dự phỏng vấn, nhớ giữ cho đầu bạn ở thế cân bằng ngay cả khi đã thỏa thuận xong mọi việc. Còn nếu bạn muốn tạo “hình tượng” thân thiện và đang chú ý lắng nghe, có thể hơi nghiêng đầu sang bên trái/phải.
- Cử động của cánh tay cũng là “bằng chứng” cho thấy mức độ cởi mở và tiếp thu của bạn nhiều đến đâu, nên đừng quên giữ hai cánh tay gần bên hông cơ thể. Điều này chứng tỏ bạn không hề e dè trong việc đón nhận mọi thứ xảy đến. Những người trầm tính thường ít dịch chuyển cánh tay ra xa cơ thể hơn người có tính cách thoải mái. Nhớ cử động tay sao cho chừng mực - đừng vung vẩy quá mức, nếu không bạn dễ tạo cảm giác mình đang mất kiểm soát. Tránh tư thế tiêu cực như khoanh tay trước ngực suốt buổi phỏng vấn. Đây là hai cách “đọc” phổ biến với cử chỉ vung tay: lòng bàn tay vung nhẹ lên và đưa ra xa mang ý nghĩa bạn cởi mở và thân thiện, còn thói quen úp lòng bàn tay xuống cho thấy bạn thích lấn át và hơi hung hăng
- Chúng ta thường có khuynh hướng đung đưa chân nhiều hơn bình thường lúc lo lắng, căng thẳng hoặc nhầm lẫn. Vì thế, hãy cố gắng giữ chân cố định. Cũng không nên ngồi bắt chéo chân trong buổi phỏng vấn, vì nó tạo “rào chắn” giữa bạn với nhà tuyển dụng và có thể đưa đến cảm giác bồn chồn. Còn khi bạn vắt mắt cá chân này lên đầu gối chân kia, tư thế đó sẽ có hình dạng như số 4 và thường bị xem là rất phản cảm.
Nguồn: sưu tầm (hình ảnh từ internet)
Nguồn Zing News
Bạn đang muốn tìm một công việc phù hợp với khả năng và mong muốn của mình? VieclamJapan tư vấn hoàn toàn miễn phí và hỗ trợ bạn tìm công việc thích hợp.