6 Điều Nên Làm Sau Buổi Phỏng Vấn
Thứ năm, 11/05/2017 09:25 (GMT+7)
Buổi phỏng vấn xin việc kết thúc không có nghĩa là bạn im lặng ra về và chờ đợi. Vẫn còn nhiều việc bạn phải làm sau khi phỏng vấn, dĩ nhiên nó cũng quan trọng không kém so với việc chuẩn bị trước khi phỏng vấn.
1. Đánh giá lại cuộc phỏng vấn xin việc
Bạn nên xem xét lại mình đã thể hiện được gì trong cuộc phỏng vấn đó. Những điều gì được rút ra để làm kinh nghiệm cho những lần sau. Có thể bây giờ bạn có thời gian nghĩ lại về những câu trả lời cũng đừng tự trách vì sao lúc ấy mình lại trả lời như thế mà hãy nhớ rằng dẫu không đạt kết quả như mong muốn thì mình cũng có được thêm kinh nghiệm, người ta vẫn thường nói “đi một ngày đàng học một sàng khôn” mà.
2. Lưu giữ số điện thoại/email của nhà tuyển dụng
Sự im lặng trong thời gian chờ đợi có thể bị hiểu là thờ ơ với vị trí tuyển dụng. Bạn có thể điện hỏi nhà tuyển dụng về kết quả hoặc cảm ơn về buổi phỏng vấn xin việc.
Một thực tế đáng buồn là, rất nhiều ứng viên không liên hệ với nhà tuyển dụng sau khi phỏng vấn. Điều này dù là vô tình nhưng có thể khiến ứng viên phải bỏ lỡ cơ hội trong khi nhà tuyển dụng đang cân nhắc để đưa ra quyết định giữa những ứng viên có trình độ tương đương. Bởi vậy, bạn nên thường xuyên liên hệ với nhà tuyển dụng để giành được sự chú ý từ họ.
Bên cạnh đó, việc liên hệ lại với nhà tuyển dụng cho thấy bạn thực sự có mong muốn làm việc cho công ty và rất có thể bạn đã ghi được điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Bạn có thể đặt mình vào vị trí của nhà tuyển dụng, bạn sẽ hiểu tại sao họ lại quyết định chọn ứng viên có sự liên hệ sau khi phỏng vấn, nhất là khi những người phỏng vấn đang băn khoăn lựa chọn giữa những ứng viên thực sự là đối thủ cạnh tranh của nhau.
3. Viết thư cám ơn sau khi phỏng vấn xin việc
Viết thư cảm ơn là việc mà bạn cần làm nhất vừa để thể hiện lịch sự của mình vừa thể hiện sự quan tâm của mình đối với công việc đã được phỏng vấn. Lá thư cảm ơn này cũng giúp cho nhà tuyển dụng gợi nhớ về bạn khi đã phỏng vấn và đánh giá cao về khả năng ứng xử của bạn.
Trong trường hợp, sau khi trao đổi cụ thể với nhà tuyển dụng rồi, bạn nhận thấy công việc đó không phù hợp thì cũng nên viết thư cám ơn họ đã dành thời gian cho bạn đồng thời cho họ biết công việc mà mình quan tâm, biết đâu cũng chính họ sẽ phỏng vấn trở lại bạn vào một ngày nào đó cho vị trí mà bạn đang mong muốn?
4. Hãy đúng hẹn
Trong buổi phỏng vấn, nếu có hứa hẹn với nhà tuyển dụng về việc gửi tài liệu, ý tưởng hay danh sách công việc đã từng làm vào ngày hôm sau, nhất định bạn phải giữ lời và đúng hẹn. Đó cũng là cách thể hiện tác phong làm việc chuyên nghiệp và điều quan trọng mà bất cứ bài học về kỹ năng phỏng vấn xin việc nào cũng đề cập đến.
5. Biết khi nào cần chờ đợi
Nếu họ yêu cầu bạn chờ điện thoại trong một tuần thì trong thời gian ấy bạn cần kiên nhẫn chờ đợi đừng sốt ruột mà gọi điện giục giã.
6. Vui vẻ chấp nhận từ chối
Nếu chẳng may bạn bị từ chối hãy vui vẻ chấp nhận và gửi một thư cảm ơn tới nhà tuyển dụng. Điều này sẽ tạo nên sự khác biệt với các ứng cử viên bị từ chối khác và biết đâu lần sau họ lại nhớ đến bạn khi có một cái ghế trống nào đó phù hợp với năng lực của bạn.
Bạn nên nhớ rằng quá trình phỏng vấn là quá trình đối đầu với rất nhiều đối thủ nên thành công hay thất bại vẫn là chuyện thường tình. Nhà tuyển dụng có rất nhiều tiêu chí để lựa chọn ứng viên, vì vậy không phỏng vấn xin việc thành không có nghĩa là bạn không có năng lực. Mà phải chuẩn bị cho mình tâm lí thất bại, rút ra kinh nghiệm có lợi cho những cuộc phỏng vấn lần sau.
Bạn đang muốn tìm một công việc phù hợp với khả năng và mong muốn của mình? VieclamJapan tư vấn hoàn toàn miễn phí và hỗ trợ bạn tìm công việc thích hợp.