7 Kỹ Năng Thiết Yếu Khi Viết CV Ứng Viên Thường Bỏ Qua
Thứ sáu, 08/03/2019 14:42 (GMT+7)
Sở hữu một bản CV hoàn hảo chính là tấm vé đầu tiên để bạn bước chân vào vòng phỏng vấn. Dưới đây là 7 kĩ năng quan trọng ứng viên cần lưu ý để xây dựng CV nổi bật và tạo cơ hội tiến vào vòng trong!
Độ dài tối đa 2 trang
Có thể bạn đã biết nhưng vẫn mắc phải sai lầm này! Mỗi ngày nhà tuyển dụng nhận hàng trăm đơn ứng tuyển cho những vị trí hấp dẫn, đầy tính cạnh tranh và dĩ nhiên, họ chỉ có thể lướt mắt qua CV của bạn trong khoảng trung bình là 6 giây.
Do đó, hãy cố gắng thiết kế CV của bạn hiệu quả, dễ đọc và đầy đủ những thông tin cần thiết để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng. Thông thường, nhà tuyển dụng sẽ không đọc CV của bạn từ trên xuống dưới mà chỉ tập trung vào những điểm chính mà họ quan tâm. Nếu bạn viết CV theo hướng này, bạn đang đi đúng hướng để tạo cơ hội cho bản thân mình.
Chọn font chữ chuyên nghiệp
Đây chính là điều đầu tiên các nhà tuyển dụng sẽ nhìn thấy trong bản CV của bạn. Hãy lựa chọn những font chữ chuyên nghiệp như Arial, Calibri, Times New Roman hay Open Sans.
Những CV với font chữ và màu sắc “gây khó hiểu” thường để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp với nhà tuyển dụng. Ngược lại, có những CV được trình bày chỉn chu nhưng lại quên mất đưa vào thông tin liên lạc! Ngoài ra thì bạn có thể đưa vào CV đường link dẫn đến trang LinkedIn của bạn (nếu có). Đó là một cơ hội tuyệt vời khác để chứng thực những điều bạn trình bày trên CV, cũng như những lĩnh vực bạn quan tâm, hoặc dẫn đến các trang portfolio liên quan đến vị trí mà bạn đang ứng tuyển.
Đưa vào cả địa chỉ hiện tại và địa chỉ nhà của bạn
Đây là kĩ năng vô cùng cơ bản đến mức bạn gần như sẽ quên mất tầm quan trọng của nó, và chỉ áp dụng khi bạn đang có hai địa chỉ sinh sống trở lên. Hãy thử nghĩ xem, giả sử bạn đang là một ứng viên lí tưởng mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm, thế nhưng địa chỉ CV của bạn ghi bạn đang ở Hà Nội, trong khi công việc tuyển dụng đang ở Hồ Chí Minh. Nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ chẳng buồn đọc tiếp những điều tuyệt vời bạn viết trong CV đâu!
Sẽ chẳng là vấn đề gì lớn lao nếu địa chỉ hiện tại và nhà của bạn không có khác biệt quá nhiều. Tuy nhiên, khi cung cấp đầy đủ cả hai địa chỉ, bạn có thể đem đến một cái nhìn toàn diện hơn và thể hiện sự cẩn thận của bạn trong mắt nhà tuyển dụng.
Biến CV của bạn ngắn gọn và mạnh mẽ
Cách bạn thiết kế CV của mình cũng là cách bạn thể hiện bản thân với nhà tuyển dụng. Nhiều chuyên gia nhân sự thường đoán kiểu tính cách của ứng viên thông qua CV và những khát vọng nghề nghiệp mà bạn đang hướng tới. Do đó, hãy cẩn trọng vì CV không phải là “đất diễn” để bạn lan man về sở thích của bản thân, đặc biệt khi đó là điều nhà tuyển dụng sẽ thấy sau màn giới thiệu tên và cách liên lạc với bạn.
Hãy giữ lại thông tin trọng tâm và chính xác nhất, tóm lược phần giới thiệu về bạn (tính cách, ưu điểm, lối sống), ngành học của bạn và mục tiêu nghề nghiệp bạn đang hướng tới. Viết về bản thân bạn theo ngôi thứ ba sẽ đem lại cái nhìn tổng quan và chuyên nghiệp hơn hẳn.
Tránh những từ sáo rỗng và liệt kê kỹ năng với dẫn chứng cụ thể
Đừng quên đưa vào CV những dẫn chứng thể hiện bạn đang sở hữu một kĩ năng hay ưu điểm nào đó, đặc biệt khi bạn là sinh viên vừa mới ra trường và chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc. Những từ sáo rỗng thoạt nghe có vẻ ấn tượng nhưng lại quá chung chung và không nói lên được một điểm cụ thể nào mà bạn sẽ thể hiện.
Vì vậy, khi viết về kĩ năng bạn đang có, hãy đưa vào dẫn chứng khẳng định năng lực của bạn. Một tiêu đề nêu tên kĩ năng và một đoạn nhỏ giới hạn trong 2-3 câu những kinh nghiệm bạn từng có để làm nổi bật kĩ năng này, cho dù là làm việc nhóm hay tham gia câu lạc bộ trong trường Đại học. Điều đó sẽ giúp bạn trở nên ấn tượng hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
Đưa mục học thức lên trước mục kinh nghiệm làm việc
Nếu bạn đang là sinh viên vừa tốt nghiệp, lời khuyên dành cho bạn đó là hãy đưa phần nội dung về điểm số của bạn lên trước phần kinh nghiệm. Nếu bằng cấp hoặc chuyên ngành của bạn liên quan đến vị trí bạn ứng tuyển, hãy cố gắng mở rộng nội dung này, đưa vào chi tiết các môn học bạn xuất sắc để ghi điểm với nhà tuyển dụng.
Kinh nghiệm làm việc của bạn sẽ đi sau phần này. Bạn cần thể hiện rõ vị trí, trách nhiệm của bạn cũng như mô tả công việc bạn làm khi ở vị trí đó. Chẳng hạn, thay vì nói bạn có kinh nghiệm trong việc “nhập liệu vào các trang tính”, hãy trình bày rằng bạn “phụ trách việc diễn giải và bảo đảm số liệu được nhập chính xác, phối hợp với các công cụ phần mềm như Microsoft Excel”.
Thể hiện kĩ năng máy tính của bạn
Có những kĩ năng, đặc biệt liên quan đến máy tính, mà mọi nhà tuyển dụng đều yêu thích khi ứng viên sở hữu chúng. Hãy liệt kê thêm vào những kĩ năng này để nhà tuyển dụng có thể nắm được, và hiểu rằng bạn chính là “chuyên gia” trong lĩnh vực đó.
Cuối cùng, hãy luôn nhớ rằng sự kiên trì chính là chìa khóa quan trọng nhất. Thị trường việc làm vô cùng cạnh tranh, vì vậy đừng nản lòng khi nhà tuyển dụng chưa thể nhận ra tài năng của bạn sau 6 giây nhìn vào CV. Biết đâu bạn sẽ lọt vào “mắt xanh” của một công ty nào đó nếu bạn không bỏ sót những điều trên đây? Chúc bạn may mắn và thành công!
Nguồn: Theo Medium
Bạn đang muốn tìm một công việc phù hợp với khả năng và mong muốn của mình? VieclamJapan tư vấn hoàn toàn miễn phí và hỗ trợ bạn tìm công việc thích hợp.