5 cách trả lời câu hỏi “Vì sao bạn nghỉ công việc trước đây?”
Thứ năm, 18/06/2020 10:11 (GMT+7)
Trong những câu hỏi thường gặp khi tham gia phỏng vấn, “Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?” là một trong những câu không những làm khó nhiều ứng viên nhiều kinh nghiệm mà còn dễ dàng làm các nhân sự mới ra trường bị đánh trượt khỏi vị trí phù hợp. Nghỉ việc có thể có vô vàn lí do, vì môi trường, vì sếp, vì đồng nghiệp, vì phát triển bản thân hơn. Nhưng quan trọng trả lời thế nào để có thể thuyết phục nhà tuyển dụng rằng những lí do đó sẽ không ảnh hưởng đến vị trí bạn đang ứng tuyển.
Khi được hỏi câu hỏi này, đừng bắt đầu kể lể rằng công ty cũ tồi tệ hay sếp cũ đối xử không công bằng. Có thể những điều này chính là lí do tại sao bạn nghỉ việc, nhưng bạn cần đưa ra một câu trả lời linh hoạt để nhà tuyển dụng có thể thấy được sự chuyên nghiệp trong kỹ năng xử lý tình huống. Thông qua bài viết dưới đây, Việc làm Japan sẽ đưa đến một số thông tin cần thiết cho ứng viên tham khảo để có thể chuẩn bị tốt nhất cho buổi phỏng vấn của mình.
1. Hiểu rõ lý do tại sao nhà tuyển dụng lại muốn biết điều này
Thông qua câu trả lời của bạn, nhà tuyển dụng sẽ có được nhiều đánh giá tổng quát về tính cách của ứng viên. Đầu tiên, họ muốn chắc chắn rằng việc thay đổi công việc này là vì một lý do chính đáng và người được tuyển sẽ có tính cách phù hợp với văn hóa của công ty.
Có thể dễ dàng nhận biết bạn có phải là một ứng viên nóng tính nếu bạn trả lời rằng chỉ vì có những xích mích nhỏ với sếp hoặc với đồng nghiệp. Hoặc đây là một nhân sự nghiêm túc trong công việc hay chỉ đang mong muốn thử nghiệm nhiều công việc khác nhau. Và quan trọng nhất là nhà tuyển dụng mong muốn xác định được: Ứng viên rời công ty do nguyên nhân khách quan hay ứng viên là nguyên nhân khiến công ty cho nghỉ.
2. 5 cách trả lời về lý do nghỉ việc
Để chứng tỏ được phong thái chuyên nghiệp và giữ được không khí tích cực trong phòng phỏng vấn, biện pháp tốt nhất là “tương đối trung thực”. Nghĩa là bạn vẫn kể những việc thực tế, nhưng chỉ nói vào những thông tin theo chiều hướng tốt và lượt bớt đi những chi tiết nặng nề, xung đột. Bên cạnh đó, phải giữ vững sự tự tin và cách thể hiện rành mạch để nhà tuyển dụng không đánh giá rằng bạn đang chột dạ khi hỏi về vấn đề này.
a. Lí do xuất phát từ mối quan hệ với cấp trên / đồng nghiệp:
Dạo gần đây, trên các mạng xã hội xuất hiện rất nhiều những câu chuyện đấu tố ngầm lẫn nhau trong môi trường văn phòng hay cấp trên chèn ép cấp dưới. Rất nhiều những nghiên cứu chỉ ra rằng, người lao động nghỉ việc phần lớn nguyên nhân là vì sếp cũ / đồng nghiệp cũ.
Với lí do này, bạn có thể nói: “Phòng ban nơi tôi làm việc đang có những định hướng phát triển mới nhưng lại tạo ra những khác biệt so với mục tiêu sự nghiệp của tôi. Do đó, tôi tìm kiếm một vị trí khác để có thể tiếp tục lao động, đem lại hiệu quả và lợi ích cho công ty.”
b. Do công việc thay đổi
Thay đổi trong phần việc phụ trách cũng là một trong những lí do khiến nhân sự nghỉ việc. Chẳng hạn:
“Vì công ty thiếu nhân sự nên đã chuyển tôi sang một bộ phận khác mà tôi không có chuyên môn, kinh nghiệm để hoàn thành tốt nên đã quyết định rời đi.”
“Do khối lượng công việc không ngừng tăng lên, việc đảm trách cùng lúc nhiều nhiệm vụ khác nhau khiến tôi gặp hạn chế hơn so với tập trung làm tốt số lượng việc vừa phải. Hơn nữa tôi mong muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân để vừa có tinh thần thoải mái và cả công việc hiệu quả.
c. Lí do xuất phát từ chế độ - phúc lợi công ty:
Ngoài tiền lương, công ty còn có các phúc lợi khác và đây chính là thang đo đánh giá năng lực và kinh nghiệm của bạn. Vì vậy, để không bị nhà tuyển dụng đánh giá là nhảy việc vì chê lương thấp, bạn hãy linh hoạt:
“Tôi tin rằng năng lực và kỹ năng của mình cần được đánh giá cao hơn so với hiện tại. Tôi tin rằng công việc này sẽ cho tôi mức lương phản ánh đúng chuyên môn và nỗ lực của tôi.”
d. Do thay đổi chỗ ở / công ty đổi địa điểm
“Công ty có kế hoạch dời văn phòng sang một cơ sở mới mà quá xa so với địa điểm tôi sinh sống khiến quá trình di chuyển trở nên khó khăn. Tôi quyết định chuyển sang một công việc gần nhà hơn để có thể tập trung hết mình cho công việc.”
“Gia đình tôi đã chuyển chỗ ở và điều đó khiến con đường đi làm của tôi khá xa và tôi mất nhiều thời gian để di chuyển. Mặc dù rất yêu thích công việc nhưng tôi phải tìm một vị trí khác để tránh đi làm muộn và trở về nhà trong thời gian tốt nhất. Tôi hi vọng sẽ đạt được điều đó với công việc này.”
e. Mong muốn phát triển kỹ năng bản thân
Một trong những lý do hàng đầu được các ứng viên lựa chọn sử dụng và các nhà tuyển dụng cũng khá dễ chịu khi được nghe câu trả lời này. Hãy nhấn mạnh rằng bạn nghỉ việc vì hướng tới tương lai và cần phải thay đổi vì mục tiêu của mình.
- “Đó là một trải nghiệm tuyệt vời nhưng tôi cảm thấy tôi đã học được tất cả mọi thứ tôi có thể ở vị trí đó. Tôi không thấy có mình có bất cứ cơ hội thăng tiến nào trong công ty trước, tôi lại là người thích được thử thách, vì thế tôi nghĩ đã đến lúc tôi nên chuyển việc.”
- “Tôi yêu thích làm nhưng công việc xuất nhập khẩu/ hành chính/ kế toán/ kỹ sư,… nhưng tôi không có cơ hội sử dụng kỹ năng lập trình/phân tích/Render như tôi muốn, vì thế tôi nghĩ làm việc với quý công ty sẽ thích hợp hơn với tôi.”
- “Tôi có mong muốn là làm việc theo đúng chuyên nghành mình theo học để tích lũy kinh nghiệm và có khả năng phát triển bản thân. Tuy nhiên, công việc hiện tại của tôi ở công ty cũ lại trái với chuyên ngành mà tôi theo học nên khó có thể phát huy hết khả năng của mình. Đó là lý do tôi tôi xin chuyển việc và muốn thử sức với một môi trường mới.”
3. MỘT SỐ ĐIỀU CẦN LƯU Ý
Một trong những sai lầm mà ứng viên thường mắc phải nhất là nói xấu quản lý, đồng nghiệp và công việc cũ. Điều này chỉ biến bạn thành kẻ hay tám chuyện và chuyên gây rắc rối. Mục đích của người phỏng vấn khi hỏi câu này không phải để phân tích ai đúng ai sai, cái họ muốn thấy là thái độ và cách nhìn nhận của bạn. Nếu bạn nói về xung đột cá nhân với đồng nghiệp cũ hay quản lý cũ, rất có thể vị sếp mới sẽ tự hỏi rằng liệu bạn có phát sinh vấn đề tương tự khi vào làm hay không.
Nhiều ứng viên vì để an toàn nên nói rằng họ nghỉ việc vì "lý do cá nhân. Tuy nhiên, thường thì điều này sẽ được hiểu là xuất phát từ các vấn đề nói trên và vẫn tạo cho nhà tuyển dụng ấn tượng tương tự. Đây là một câu trả lời rất chung chung và thiếu thông tin cho nhà tuyển dụng, vì vậy, có thể họ sẽ không hài lòng. Thay vào đó, bạn nên nói chuyện càng chân thật càng tốt để tạo sự tin tưởng cho nhà tuyển dụng.
Kết
Những câu hỏi thuộc dạng “làm khó” như thế này trong lúc phỏng vấn có vẻ đáng sợ nhưng nếu nhìn vào một khía cạnh khác thì câu hỏi về lí do nghỉ việc là cơ hội để bạn tạo được sự khác biệt và quảng bá bản thân với nhà tuyển dụng. Mong rằng với những cách gợi ý trên đây bạn sẽ có được ý tưởng để tạo ra câu trả lời thuyết phục nhất cho mình.
Sử dụng hình ảnh của Unplash, Pixabay
Bài: Sưu tầm
Cẩm nang Xin việc Phỏng vấn / VieclamJapan
Bạn đang muốn tìm một công việc phù hợp với khả năng và mong muốn của mình? VieclamJapan tư vấn hoàn toàn miễn phí và hỗ trợ bạn tìm công việc thích hợp.